Đặng Phương-Nghi
Cho tới đầu thế kỷ XX, trước khi Biển Đông được biết có tiềm năng chứa trong đáy rất nhiều mỏ dầu khí, các quốc gia nhìn ra Biển Đông không lấy đó là một điều tranh chấp, không nước nào chối cãi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa (15.000 km2) Trường Sa (160.000 km2) do các chúa Nguyễn quản trị từ thế kỷ XVII, kể cả Trung Quốc : các tàu bè gặp bão táp tại Hoàng Sa trôi rạt vào đất Lưỡng Quảng được tổng đốc nơi đó cho tiễn về Việt Nam, với lý do những chuyện liên quan đến Hoàng Sa thuộc về triều đình Huế. Phải nói rằng hai quần đảo trên chỉ gồm đảo nhỏ, đá nổi, đá ngầm và san hô, trơ trơ giữa gió bão, chẳng ai lai vãng đến ngoài dân chài và kẻ lượm phân chim biển.
Sự kiện thay đổi kể từ 1921, với « Giấc mộng Trung Hoa » của các nhà lãnh đạo tân Cộng hòa Trung Hoa (về vấn đề quần đảo, Trung Hoa quốc gia với Trung cộng cùng chung lập trường), quyết tâm thực hiện cuộc Nam tiến vào Biển Đông để mở đường ra Ấn Độ dương rồi Đại Tây dương. Dựa trên bản báo cáo về một chuyến thăm dò vùng nam Hải Nam của một hạm đội nhỏ do đô đốc Lý Chuẩn nhà Thanh chỉ huy vào tháng 6/1909 nói về một số đảo ở tây-nam Hải Nam, chính quyền quân sự tỉnh Quảng Đông tuyên bố đó là quần đảo Tây Sa (đây là lần đầu tiên cái tên Tây Sa này xuất hiện) thuộc chủ quyền Trung Hoa, mặc dầu lúc đó quần đảo này thuộc về Việt Nam dưới tên Hoàng Sa hay đúng hơn thuộc về sự quản trị của Phủ toàn quyền Đông Dương dưới tên Paracel, bởi lúc đó Việt Nam bj Pháp đô hộ. Những hòn đảo đó có dân chài Việt Nam ở, nhưng đoàn tiền trạm do Ngô Kính Vinh cầm đầu bắt hết họ đến Hải Nam để đô đốc có thể bảo đấy là những đảo hoang. Rồi chính phủ Quảng Đông cho sát nhập quần đảo vào huyện Châu Nhai, phủ Quỳnh Châu, Hải Nam (Xem https://www.nxbctqg.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=4624:lp-lun-va-chng-c-ca-trung-quc-oi-ch-quyn-bin-ong-va-qun-o-hoang-sa-va-trng-sa-ca-vit-nam-la-cc-k-vo-ly&catid=169:bin-o-que-hng&Itemid=641 ). Trong khi đó thì từ thế kỷ XVII Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam, rồi tỉnh Thừa Thiên rồi lại Quảng Nam ; ban đầu Hoàng Sa gồm cả các đảo Trường Sa, nhưng năm 1933 Trường Sa được tách rời và chịu sự quản lý của tỉnh trưởng Bà Rịa rồi Phước Tuy (1956). Chính quyền Quảng Đông không được nước nào công nhận nên lời tuyên bố của họ chẳng được chính phủ Đông Dương coi trọng. Nhưng năm 1935 Trung Hoa dân quốc chính thức đòi chủ quyền trên tất cả các đảo trong Biển Đông, và để hỗ trợ cho sự đòi hỏi, họ cho người lẻn đến bốn đảo Hoàng Sa dựng bia ghi lùi năm tháng !
Trong đệ nhị thế chiến, Nhật Bản chiếm đóng Hoàng Sa từ 1939 cho tới 1946. Năm này, nhân được Đồng Minh giao nhiệm vụ giải trừ quân bị của Nhật chiếu theo thỏa ước Postdam, Trung Hoa dân quốc lợi dụng cơ hội để chiếm hòn đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa (Phú Lâm, 2,6km2), rồi sau đó vào đầu 1947 đảo lớn nhất của Trường Sa (Ba Bình, 46ha) cũng là đảo duy nhất ở Trường Sa có nước ngọt ; nhưng vì ít lâu sau họ thua cộng sản phải bỏ lục địa đi Đài Loan, họ đành rút lui hỏi hai đảo đó vào năm 1950. Năm sau (1951) tại hội nghị San Francisco, theo hiệp ước được ký kết, Nhật Bản nhượng lại hai quần đảo cho chính phủ Việt Nam của vua Bảo Đại và quốc tế (trừ ba nước) đồng nhất bác bỏ yêu sách của Trung Hoa ; vậy nên thủ tướng Trần Văn Hữu có thể tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa Trường Sa mà không một nước nào trên 50 quốc gia tham dự phản đối, nhưng phải nói là cả hai nước Trung Hoa, quốc gia lẫn cộng sản, đều không được mời tham dự hội nghị.
Năm 1948, trước khi chạy đến Đài Loan, Tưởng Giới Thạch cho ấn hành một bản đồ Trung Quốc với một ranh giới trên Biển Đông bịa đăt hình chữ U cũng gọi là đường lưỡi bò, được vẽ bằng cách nối liền 11 nét họ cho là phân định lãnh hải của họ, tương đương như vậy với 70% tổng diện tích biển, bất kể quyền lợi của các nước khác ven biển. Bản đồ này không được để ý đến, nhưng năm 1953 Bắc Kinh cho in nó lại với sự thay đổi về số nét, giảm xuống 9, nhưng đổi chỗ làm sao cho phần biển Trung Quốc tự cấp cho mình gồm 80% diện tích tổng thể (3,5 triệu km2). Nhưng bản đồ này cũng chỉ được dùng trong nội bộ và cho tới 1998 lãnh biển hình chữ U không được nhắc tới trong các lời phát biểu ra nước ngoài của Bắc Kinh ; nhưng nó là một trái bom nổ chậm vì nó được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, nhồi vào óc mọi người dân Trung Hoa lòng tin chắc nịch rằng các quần đảo và biển Đông xung quanh thuộc về Trung Quốc, nung lên một tinh thần dân tộc dễ khích động.
Năm 1956, thừa cơ Pháp rút hết quân khỏi miền Nam trong khi chính phủ Nam Việt Nam, là chính quyền được hiệp định Genève giao cho việc quản trị hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, đang mải tổ chức nhà nước, cả hai nước Trung Hoa vội đi chiếm đoạt đảo và giữ chúng từ đó : Ba Bình (Itu-Aba, Taiping hay Thái Bình), đảo lớn nhất Trường Sa cùng một số cồn lân cận rơi vào tay Trung Hoa dân quốc (Đài Loan), các đảo Hoàng Sa phía đông bao gồm Phú Lâm (Île Boisée, Yongxing hay Vĩnh Hưng), đảo lớn nhất, vào tay Trung Hoa nhân dân quốc (Trung cộng). Chính phủ Nam Việt Nam không làm gì được, chỉ biết tố cáo những hành động đó rồi tăng cường sự canh giữ các đảo còn lại. Năm 1959, Bắc Kinh cho 82 binh lính giả làm ngư dân đáp 5 chiếc tàu có trang bị vũ khí tấn công các đảo Hoàng Sa phía tây, nhưng bị binh lính Việt Nam cộng hòa (VNCH) phát giác, bắt làm tù binh và sau đó đuổi về Trung quốc.
Sự rút quân của Hoa Kỳ sau hiệp định Paris (1973) và những vướng mắc của quân lực Việt Nam phải một mình đối đầu với Hà Nội và đồng minh Nga-Tàu cho Bắc Kinh cơ hội để cho hai chiến hạm đi tấn công các đảo Hoàng Sa phía tây : bốn tàu khu trục do Mỹ mới giao lại cho Nam Việt Nam được gửi ra nghênh chiến (17-20/1/1974) nhưng hải quân VNCH chưa được huấn luyện kỹ càng về sự sử dụng những tàu này lại thêm các thiết bị tinh vi trong đó đã bị Mỹ tháo đi cho nên hải quân VNCH không chống lại nổi quân Tàu, phải rút lui sau khi 75 binh sĩ mất mạng so với 21 người bên phía Hoa, để cho Trung Quốc chiếm đóng từ đó toàn bộ Hoàng Sa. Điều bất bình là hạm đội thứ 7 của Mỹ ở ngoài khơi Biển Đông lúc ấy không hề can thiệp để trợ lực hải quân VNCH, do lệnh cấm của Washington, trên nguyên tắc là đồng minh của Nam Việt Nam, mặc dầu tổng thống (TT) Nixon có hứa với TT Nguyễn Văn Thiệu sẽ can thiệp nếu VNCH bị xâm hại. Không những thế, Washington còn làm áp lực để ngăn TT Thiệu ra lệnh cho không quân VNCH bỏ bom chiến hạm Tàu nhằm lấy lại Hoàng Sa. Lý do là Mỹ mới thiết lập bang giao với Trung Quốc và đã « bán đứng » Hoàng Sa cho nước bạn mới.
Vào những năm 1970, sự suy yếu của Nam Việt Nam phải đương đầu với một cuộc chiến đẫm máu khơi dạy trong các nước ở ven Biển Đông lòng ham muốn chiếm ít nhất một phần Trường Sa, nay đã được biết rõ là rất phong phú về dầu khí và hải sản. Năm 1977, TT Ferdinand Marcos dựa vào sự thể một công dân Phi Luật Tân, Tomas Cloma, từng chiếm hữu (1947-1956) nhiều hòn đảo ở Trường Sa được quân Nhật bỏ trống để thành lập ở đó một « đất tự do » (Kelayaan) trước khi bị quân Đài Loan xua đuổi khi đến chiếm đóng trở lại Ba Bình, lên tiếng đòi chủ quyền của Phi Luật Tân trên những cồn đảo gồm trong khu Kelayaan cũng như nằm gần nước Phi. Và ngay 1968, Phi Luật Tân cho quân đến đóng ở những đảo và đá không có lính canh giữ. Vì thời đó, họ là đồng minh của Nam Việt Nam trong chiến tranh chống cộng sản, chính phủ VNCH không phản đối nhưng vào cuối chiến tranh cho quân lấy lại được một đảo. Kể từ đó, Phi Luật Tân cai quản 7 đảo (trên 14 tất cả) trong đó có đảo Thị Tứ (Thitu) là đảo lớn thứ hai của Trường Sa, và 3 đá ngầm, Việt Nam chỉ còn giữ 6 đảo (trong đó có đảo Trường Sa là đảo cho tên cho quần đảo, cùng 20 đá ngầm.
Năm 1979, đến lượt Mã Lai tuyên bố chủ quyền trên tất cả những đá ngầm theo họ nằm trong thềm lục địa của họ, và kể từ 1983 cho lính đến canh giữ chúng. Trong số 5 đá ngầm và rạn san hô do Mã Lai chiếm đóng có hai bị tranh đòi bởi Phi Luât Tân và 1 bởi Brunei. Nhưng Brunei, vì không có hải quân, chỉ khẳng định chủ quyền của mình, không dùng tới bạo lực.
Lòng tham của các quốc gia khác thổi bừng dục vọng của Trung Quốc. Vào cuối chiến tranh Việt-Trung, nắm được ý chí chủ bại xoay cờ của đám cầm quyền Hà Nội, Bắc Kinh quyết tâm chiếm lấy Trường Sa. Năm 1987-88, sau khi chiếm hữu nhiều đá ngầm (đá Chữ Thập/Fiery Cross reef, đá Châu Viên/London reef, đá Gaven, đá Tư Nghĩa) bị Việt Nam bỏ không, ba tàu chiến Trung Quốc tiến về phía đá Gạc Ma (Johnson South reef) thì gặp ba chiếc tàu vận tải Việt Nam chở 100 binh lính đến Gạc Ma cắm mộc và cắm cờ ; theo thuyết chính thức thì một cuộc chiến xảy ra ngày 14/3/1988 khiến cho 64 chiến sĩ Việt Nam tử nạn và 9 người bị Trung Quốc bắt, so với 6 người chết và 8 bị thương phía Trung Hoa ; không thể chống lại được quân địch, quân Việt Nam phải bỏ chạy để cho Trung Quốc chiếm đóng các hòn đá. Nhưng sự thật rất đau lòng và khốn nạn : Theo tướng Lê Mã Lương, giám đốc viện bảo tàng lịch sử quân đội thố lộ trong một buổi tọa đàm kỷ niệm cuộc « chiến » Gạc Ma của trung tâm Minh Triết năm 2014 thì Lê Đức Anh, lúc đó làm Bộ trưởng quốc phòng, ra lệnh cho hải quân Việt Nam không được nổ súng nếu như bất cứ đảo nào bị đánh chiếm, và không cho phép mấy tàu vận tải VN trang bị vũ khí ; như vậy ngày 14/3/1988 không hề có cuộc chiến nào mà chỉ có một cuộc thảm sát với 64 nạn nhân tay không bị lãnh đạo cao cấp Việt Nam, lúc đó đă qui phục Trung Quốc, dùng làm thí tốt để che đậy sự bán biển đảo của mình với luận điệu : quân ta có chống trả, nhưng quân họ mạnh quá, ta không đánh lại được, phải chịu thua. (xem https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-ord-no-fir-in-garma-03122015052). Nên ghi thêm rằng vụ Gạc Ma thể hiện sự đồng lõa giữa Đài Loan và Trung cộng trong vấn đề Biển Đông : các tàu chiến của Trung Quốc được lính Đài Loan ở Ba Bình tiếp tế (cũng như sau này vào năm 1995, khi Trung Quốc tấn công đá Vành Khăn /Mischief reef do Phi Luật Tân canh giữ) ; Trinh Vi Nguyên, Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan thời đó chẳng đã tuyên bố : « Nếu có chiến tranh, quân đội dân quốc sẽ trợ lực quân đội nhân dân Trung Hoa » đấy chăng ? (xem https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A3i_chi%E1%BA%BFn_G%E1%BA%A1c_Ma-C%C3%B4_Lin-Len_%C4%90ao_(14-3-1988 ).
Kể từ hội nghị Thành Đô năm 1990, Trung Quốc tự thấy có thể xúc tiến cuộc chiếm cứ Biển Đông, vì tin chắc vào sự qui phục ngầm của Việt Nam, nước có cớ chính đáng để chống đối họ : Quả vậy, thay vì phản đối mãnh liệt trước các sự lấn át càng ngày càng đẩy mạnh của Trung quốc vào phần biển của Việt Nam, ở vùng kinh tế đặc biệt (ZEE) rồi tới tận lãnh hải – theo công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) được ký kết năm 1982, lãnh hải là vùng biển vủa môt quốc gia ven biển tới 12 hải lý hoặc khoảng 20 km cách bờ, trên đó quốc gia ấy có chủ quyền trên mặt, trên đất, trên lòng đáy và trên không, và ở xa hơn cho tới 200 hải lý hoặc khoảng 370 km là vùng đặc quyền kinh tế trên đó họ có quyền đánh cá, xây cất và khai thác đất và lòng đáy, nhưng không thể ngăn cản sự qua lại tự do trên biển và trên không -, nhân danh sự duy trì « tình hữu nghị » với ông bạn to đầu phương bắc, Hà Nội bỏ tù mọi công dân dám biểu lộ mạnh mẽ sự thù địch đối với Tàu. Thoạt tiên, năm 1992, Bắc Kinh khiến quốc hội của mình biểu quyết về chủ quyền có từ xa xưa của Trung Quốc trên Biển Đông, rồi ra lệnh cho các sử gia lùng kiếm tài liệu chứng minh chủ quyền này. Năm 1995, Đài Loan bắt chước Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của mình trên toàn Biển Đông gồm trong đường lưỡi bò, nhưng khác với Trung Quốc là năm 2015 họ đình chỉ yêu sách đó ngoại trừ trên đảo Ba Bình và quần đảo san hô Đông Sa đã ở trong tay họ.
Tiếp theo, năm 2009, Bắc Kinh trình cho Liên Hiệp Quốc những chứng cứ lịch sử bịa đặt dựa trên những chuyến thăm dò trên biển thời xưa, cộng với bản đồ 9 nét, để đòi hỏi chủ quyền trên 80% Biển Đông, về sau, năm 2014 tăng lên 90% do họ vẽ thêm một nét trên đường lưỡi bò. Nhưng các chứng cứ của họ chẳng có tính thuyết phục, không kể UNCLOS chỉ xét đến quyền do lịch sử trong trường hợp đóng giữ bình yên liên tục. Vả lại, trên tất cả các bản đồ Trung Quốc từ xưa tới 1933, lãnh thổ Trung Hoa ngưng tại đảo Hải Nam, điểm cực nam của nó, và các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa cũng như Biển Đông coi như xa lạ với nước họ. Và vào tháng 6/2012, bất kể dư luận quốc tế, Bắc Kinh chính thức tuyên bố gồm Hoàng Sa/Tây Sa, Trường Sa/Nam Sa, cộng thêm bãi Macclesfield/Trung Sa thành một huyện có tên là Tam Sa với trụ sở hành chánh đặt tại Phú Lâm (Hoàng Sa /Vĩnh Hưng). Thật ra Trung Quốc đã lập Tam Sa từ tháng 11/2007 nhưng không công bố quyết định này với quốc tế, và năm 2007 cũng như 2012 hành vi khiêu khích đó của Trung Quốc phát động một loạt cuộc biểu tình của dân Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước.
Mặc ai phản đối, Bắc Kinh củng cố phần biển đất chiếm được và phô trương tại đó sức mạnh quân sự mới tạo, ngày ngày đặt thế giới trước sự đã rồi, một thế giới bị tê liệt trước tính hung hăng và túi tiền dầy cộp của Trung Quốc. Ngay năm 1990, họ đã bắt đầu xây tại Phú Lâm (Hoàng Sa) đường băng cho sân bay rồi dần dà biến đảo thành căn cứ quân sự với cả dãy hỏa tiễn đất đối không. Năm 2013-2015, đến lượt Trường Sa được đắp đất cát và quân sự hóa theo một quy mô lớn hơn nhiều : trên 9 hòn đá do họ chiếm giữ, Trung Quốc cho xây đảo nhân tạo nối nhau thành một tổng thể rộng 13,5 km2 (trong khi tổng diện tích của tất cả 14 hòn đảo Trường Sa chỉ là 2 km2) với hải cảng, phi cảng, nhà cửa, v.v.) với giá nhân loại phải trả là một sự phá hủy môi sinh khổng lồ : gần 3 triệu m3 cát và san hô bị bơm hút, di chuyển và hủy hoại, 15 km2 rạn san hô rất quý báu vì có nhiều sinh loại trú ở trong vĩnh viễn biến mất (không kể 104 km2 san hô bị ngư dân Tàu tàn phá do thói cào đáy biển để kiếm sò ngao lớn). (Xem https://www.rfa.org/vietnamese/news/southchinaseadispute/china-s-activities-in-the-scs-take-up-huge-toll-on-the-marine-environment-vh-11022016103953.html ).
Mục tiêu được phô bày đầu tiên của sự nắm lấy Trường Sa là chiếm hữu trữ lượng dầu khí (ước lượng là 1,5 tỷ tấn bởi chuyên gia Mỹ nhưng tới tận 50 tỷ bởi người Hoa). Vấn đề là 90% mỏ dầu khí nằm trong rìa lục địa của các nước ven biển : một phần ở ngoài khơi Hải Nam và Quảng Đông, nhưng phần lớn ở vịnh Bắc Bộ, trong thềm lục địa của Việt Nam và quần đảo Sunda, và ở tây bắc Borneo. Vì hai vỉa cuối thuộc về những quốc gia tương đối thịnh vượng (Nam Dương, Mã Lai, Brunei), khó ăn hiếp, muốn có dầu khí, Trung Quốc chỉ còn giải pháp ăn cướp của Việt Nam, một nước có trữ lượng thứ ba về dầu khí tại Á Châu – Thái Bình Dương, lại đã thần phục thiên triều. Năm 1992, công ty quốc gia dầu hỏa ngoài khơi của Trung Quốc (CNOOC) ký với công ty Hoa Kỳ Creston Energy một hợp đồng thăm dò dầu hỏa tại bãi Tư Chính nằm trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam ; đã thế Trung Quốc còn cấm PetroVietnam và ConoPhilipps thăm dò trong lãnh hải Việt Nam gần bãi Tư Chính – hai sự cố này thúc đẩy Hà Nội gia nhập ASEAN năm 1995 – rồi không ngưng cản trở những dự án thăm dò hay nghiên cứu khoa học khác do PetroVietnam thực hiện chung với các công ty nước ngoài (như năm 2007 với British Peroleum, năm 2008 với Exxon Mobil, năm 2011 với Veritas, và gần đây năm 2017 với Repsol). Trước những sự thăm dò và khai thác bất hợp pháp của Trung Quốc trong phần biển của Việt Nam cũng như những vụ hành hung đe dọa của tàu chiến Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam làm gì ? Họ im lặng, tuyên bố quan ngại, hay khá hơn, cho vài chiếc tàu tuần tra đi một vòng quanh nơi sự cố nhưng không cho phép hải quân hành động !
Tháng năm 2014, sự hiện diện của giàn khoan Hải Dương HYSY 981 của Trung Quốc ở cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý và cách Hoàng Sa 30 hải lý, kèm theo 80 chiếc tàu trong đó có 7 chiến hạm, gợi lên một sự công phẫn kịch liệt trong người dân Việt đang không ngưng biểu tình lai rai chống Tàu. Các cuộc biểu tình lan trên 22 /63 tỉnh đâm lớn mạnh hơn, đưa đến bạo loạn : đập phá nhà máy của Tàu đặc biệt tại Bình Dương, hành hung người Tàu (khiến 21 người chết trong đó 16 người Hoa tại Hà Tĩnh). Trước phản ứng tức tối dọa nạt của Bắc Kinh, nhà cầm quyền Hà Nội sợ sệt, xoay lại chống nhóm « cấp tiến » bị coi như đã bao che hay khuyến khích dân biểu tình, và ra tay đàn áp những người biểu tình (chỉ riêng về Bình Dương 800 người bị bắt), từ đó trừng trị tất cả những ai dám lên tiếng mạnh chống Tàu. Về phần Trung Quốc, họ rút giàn khoan về vào tháng 7 vì bị quốc tế chỉ trích, nhưng ít lâu sau, vào tháng 1/2015 khi dư luận đã nguôi, họ đưa nó trở lại, lần này kèm theo một đoàn tàu chiến ; và lần này nhà cầm quyền cũng như dân Việt Nam im thin thít. Không còn sợ chống đối, Trung Quốc tha hồ khoan và trích dầu của Việt Nam trong các mỏ ở vịnh Bắc Bộ, còn đưa thêm giàn khoan HYSY 943 trợ giúp Hải Dương 981 vào năm 2016. Sau đó đến lượt các vỉa dầu khí ở Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc tước đoạt : tháng 7/2017, giàn khoan HYSY 270, hộ tống bởi 40 tàu chiến và 40 tàu đánh cá có trang bị súng ống, đến gần bãi Tư Chính, cách bờ Việt Nam có 210 km (tức ở trong vùng đặc quyền kinh tế hay ZEE của Việt Nam) nơi PetroVietnam đang khoan mỏ Cá Rồng Đỏ với công ty Repsol của Tây Ban Nha, để ép Việt Nam ngưng ngay dự án hợp tác với Repsol mặc dầu công ty này đã chi 200 USD cho dự án (https://www.compuserve.com/entertainment/story/0002/20180323/KBN1GZ0JN_1) , với lý do bãi Tư Chính nằm trong đường lưỡi bò ! Hà Nội quá run sợ trước sự hung hãn của Bắc Kinh nên tuân thủ mà không dám bảo vệ chủ quyền của mình, để cho Trung Quốc thả cửa cướp dầu khí.
Hải sản, một tài nguyên khác của Trường Sa, không khỏi kích thích lòng tham của Trung Quốc. Nhưng vì khoảng 15 triệu người quanh Biển Đông sống nhờ ngư nghiệp với một lượng hải sản tương đương với 38% số cá câu được trên thế giới (số của FAO năm 2012), yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên 90% Biển Đông chỉ có thể gây ra nhiều vụ tranh chấp với các quốc gia ven biển. Nhất là khi, giống như dầu khí, 90% cá tôm dự trữ sống ở cách bờ biển không tới 200 hải lý, tức ở trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ấy. Thế nhưng, lấy tư cách kẻ có chủ quyền (tự cấp) trên 90% biển, năm 1999 Trung Quốc đơn phương áp đặt trên mọi ngư dân bất kể thuộc nước nào một thời gian hoãn đánh cá hàng năm, và năm 2014 bắt mọi tàu đánh cá phải xin phép họ nếu muốn câu trong đường lưỡi bò ; ai vi phạm lệnh này của họ thì bị phạt tiền (gần 8000 USD), bị tịch thu đồ câu, cho tới bị phá tàu và hành hung. Để áp dụng biện pháp võ đoán của mình, Trung Quốc dựa vào hàng vạn tàu đánh cá có trang bị vũ khí (tháng 8/2012, họ cho 23.000 tàu đánh cá đó tỏa vào Biển Đông ; tháng 8/2017 thì họ đưa vào biển 18.000 tàu đó, sau 108 ngày cấm đánh cá ai nấy phải tuân), hành động như một đội quân xung kích tiền phong trợ giúp hải quân Trung cộng luôn luôn tuần sát trong vùng, sẵn sàng gây hấn với ngư dân của nước khác để đuổi họ khỏi « biển riêng » của người Tàu.
Đối với Việt Nam, sau khi được nhượng 9% lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ do một thỏa ước về biên giới đường biển (Trung Quốc hiện chiếm 47% vịnh thay vì 38% trước đó), Bắc Kinh ép Hà Nội chấp nhận một sự « hợp tác » về ngư nghiệp trong một vùng biển ăn vào thêm 13,5% lãnh hải Việt Nam, khiến cho khối cá của Việt Nam giảm hơn nữa. Thêm vào, vin vào thỏa ước ấy, người Hoa không ngại dùng tàu đánh cá to xù, ngay cả tàu-nhà máy để vào vịnh câu cạnh tranh với ngư dân Việt nghèo chỉ có tàu nhỡ và nhỏ, nhiều khi còn đến câu trộm ở ngoài vùng « hợp tác » (theo báo cáo của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2014, trong 10 năm có 7781 vụ vi phạm thỏa ước bởi tàu đánh cá Trung Quốc và 1800 vụ vi phạm bởi các tàu loại khác của Trung Quốc). Kết quả là khối lượng cá trong biển của Việt Nam giảm sút bởi sự câu quá độ cũng như thêm vào bởi sự ô nhiễm nước biển do sự sa thải của các nhà máy của người Hoa rải rác dọc bờ biển Việt Nam. Muốn có cá, ngư dân Việt phải đi xa về phía Hoàng Sa Trường Sa nhưng ở đây họ bị quấy nhiễu, tấn công, bắn chìm và giết hại bởi quân Tàu. Đã vô số dân chài là nạn nhân của sự lộng hành của Trung Quốc ; quân Tàu độc ác đến nỗi không cho họ tạm trú ở đảo Hoàng Sa để tránh bão táp, như luật biển quy định.
Trung Quốc dè dặt hơn đối với Mã Lai và Nam Dương là hai nước tương đối giàu mạnh, vẫn để ngư dân mình lai vãng vào phần biển của họ, nhưng ít thường xuyên hơn ; Mã Lai hiện chưa nổi xung vì còn chờ đợi nhiều sự đầu tư của Trung Quốc, nhưng từ 2016 Nam Dương đã nhe răng giận dữ, sẵn sàng bắt giữ các ngư dân nước ngoài đánh cá lậu. Chỉ còn có Phi Luật Tân không có quân đội đáng kể là dễ lấn át. Năm 2012, Trung Quốc cho một đại hạm đội đi chiếm đoạt đá Scarborough do Phi Luật Tân canh giữ, rồi cấm người Phi đến đó. Nhưng biển ở khu đá này có rất nhiều cá ngon và từ xưa vẫn cấp cho dân Phi một phần lớn thức ăn của họ. Việc Trung Quốc coi Trường Sa như nhà riêng « là một công thức để đói ; hơn cả là một vấn đề an ninh quốc gia, đấy là một vấn đề an ninh lương thực » (lời của thượng nghị sĩ Rudolph Recto). Vì thế tổng thống Benigno Aquino III của Phi Luật Tân đã xét hành động chiếm đóng Scarborough của Trung cộng chẳng khác gì sự thôn tính Tiệp Khắc bởi Đức Quốc Xã, và đưa sự vụ ra kiện trước Tòa án trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc (PCA). Ngày 12/7/2016 Tòa tuyên án bênh vực Phi Luật Tân, chống lại thái độ của Trung Quốc : « Không có cơ sở pháp lý nào để cho Trung Quốc đòi hỏi quyền lịch sử trên các tài nguyên nằm trong các vùng biển ở trong « con đường 9 nét » ». Đồng thời Tòa không chịu cấp quy chế đảo cho các đảo nhỏ, đá ngầm và đảo nhân tạo trong hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, tức không cho chúng khả năng có một vùng đặc quyền kinh tế. Điều này tất nhiên cũng phủ nhận yêu sách của Đài Loan trên đảo Ba Bình. Cho nên cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đều tuyên bố phủ nhận uy quyền của PCA, coi phán quyết của Tòa như « một tờ giấy đáng vứt đi » (theo văn của một tờ báo Đài Loan).
Lẽ ra phán quyết thuận lợi của PCA phải xúi các quốc gia khác ở ven Biển Đông cũng kiện Trung Quốc như Phi Luật Tân và dùng bản án chắc chắn sẽ thuận làm vũ khí trong các cuộc tranh cãi của họ với Trung Quốc ; hay ít nhất các nước ấy có thể dựa vào đó để lập một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc đang ăn hiếp họ, nhưng những sự dọa dẫm và hứa hẹn tiền bạc của Bắc Kinh trong các cuộc thương lượng song phương với từng quốc gia (để dễ bề lung lạc đối phương, Trung Quốc luôn luôn từ chối sự thương lượng đa phương) ngăn cản mọi toan tính đoàn kết giữa họ. Thành thử kẻ đầu tiên sẵn sàng chơi lẻ với Trung Quốc chính là Phi Luật Tân với tân tổng thống Rodrigo Duterte : chính phủ của ông ta đã chấp nhận không nhắc tới phán quyết của PCA nữa để đổi với tiền viện trợ và một sự hợp tác về ngư nghiệp. Về phần Việt Nam khỏi nói, đám cầm quyền ươn hèn làm sao dám làm phật lòng thiên triều !
Ngay hôm sau ngày tuyên án, Trung Quốc tức tối thách thức quốc tế bằng cách dọa lập một Vùng nhận diện hàng không (ADIZ) – vùng ADIZ là không phận trong đó mọi máy bay phải xưng danh tính và chịu sự kiểm soát của quốc gia làm chủ không phận ấy – trên Nam Biển Đông như họ đã từng làm năm 2013 trên Bắc Biển Đông khiến Nhật Bản nổi giận vì vùng ADIZ đó bao phủ các đảo Senkaku của Nhật mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và đòi là của họ. Bắc Kinh còn khiêu khích thêm bằng cách tổ chức vài ngày sau nhiều cuộc diễn tập quân sự trên Biển Đông. Sự cậy đến ADIZ cũng như các cuộc phô trương vũ lực cho thấy rằng mục tiêu của Trung Quốc khi xâm chiếm Hoàng Sa Trường Sa và biển xung quanh chính thực có tính cách quân sự : làm chủ một vùng vô cùng chiến lược, đường giao thông của các tàu vận tải chở hàng từ châu Âu đến Đông Á qua Trung Đông và ngược lại, tương đương với 40% lượng hàng vận tải bằng đường biển thế giới, trị giá 5000 tỷ mỹ kim mỗi năm, qua đấy được chuyên chở 3/4 lượng dầu khí nhập cảng bởi Trung Quốc, tọa ở phía trên eo biển Malacca, nơi qua lại bó buộc của hàng hải quốc tế. Nhờ đã có vài căn cứ quân sự trên một số đảo do Miến Điện nhượng lại (199-1994) ở vịnh Bengal và biển Andaman ở phía dưới eo Malacca, với thêm những căn cứ quân sự lập tại Trường Sa, Trung Quốc có khả năng kiểm soát eo biển từ hai bên, có thể khống chế và phong tỏa nó nếu muốn, để phá hại kinh tế của quốc gia thù địch này nọ.
Nắm giữ toàn thể Biển Đông cùng với các quần đảo trong đó để biến nó thành « biển nhà » là một điều thiết yếu sống còn đối với đế quốc Trung Hoa, vậy nên ngày ngày Trung Quốc tăng cường sự có mặt về quân sự của mình trong vùng. Họ trang bị các đảo nhân tạo với quân thiết bị tối tân nhất : hỏa tiễn đất đối không HQ9, hệ thống rađa, đài kiểm soát, vv., không kể nhà cửa cho khoảng 10.000 binh lính, và sắp tới với lò điện hạt nhân nổi (lò phản ứng neutron nhanh di động, để trong hòm cỡ 6,1 x 2,6 m, có thể cấp điện cho cả trăm ngàn người) gây lo ngại cho các quốc gia kế cận vì công nghệ lò điện này chưa an toàn). Họ dàn ra khắp biển rất nhiều tiểu hạm đội tàu đánh cá có trang bị vũ khí dưới sự bảo vệ của đoàn trực thăng, máy bay chở hỏa tiễn, chiến hạm, đôi khi thêm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và đặc biệt tàu ngầm. Mà tàu ngầm cùng với hỏa tiễn đóng một vai trò rất quan trọng trong sự tranh giành với Hoa Kỳ địa vị bá chủ trên biển, thậm chí bá chủ toàn cầu. Và trong quan điểm này, Biển Đông sẽ cấp cho các tàu ngầm của Trung Quốc một chỗ trú bao la (3 triệu km2) không thể phát hiện được và không thể tập kích, nối liền với căn cứ tàu ngầm tối tân mới xây của họ tại Ngọc Lâm (Yulin), Hải Nam. Thật thế, dưới đáy Trường Sa, ở 3000m bề sâu trung bình, có những hành lang quanh co theo hai chiều hướng bắc-nam đông-tây cho phép tàu ngầm ẩn trốn hay di chuyển mà không thiết bị gián điệp nào biết. Nỗi e sợ thốt ra tại Bộ quốc phòng Phi Luật Tân năm 1982 : « Nếu một quốc gia thù nghịch có thể lập bản đồ của vùng này tới mức có thể khiến tàu ngầm chứa hỏa tiễn đạn đạo đi trong đó, quốc gia ấy có thể cho tàu ngầm loại Polaris đậu ở đấy và sẽ có thể kiểm soát hay đe dọa cả một khu vực trong một bán kính 4000 km chấp chứa một phần ba dân số thế giới trong đó có toàn thể các nước ASEAN. Độ sâu của vùng này đặc biệt đến nỗi không thể dò ra tàu ngầm ở dưới tức không thể phản kích được » (xem . https://asialyst.com/fr/2016/10/20/mer-de-chine-du-sud-le-secret-des-routes-sous-marines /) đang được cụ thể hóa. Từ tháng 7/2017 nhiều người máy hoạt động dưới biển của Trung Quốc thăm dò Biển Đông để thu thập hình ảnh và đo các tham số hóa học và vật lý học, trong khi 12 tàu lượn ngầm của họ được dàn ra để thu nhặt số liệu về môi trường biển (nhiệt độ, độ muối, độ đục, vv.) ; và các tàu ngầm Trung Quốc loại Jin 094 có thể bắn hỏa tiễn đạn đạo Julang II có tầm 8000 km !
Điềm nhiên trước sự bài xích của thế giới, Trung Quốc cư sử ở Biển Đông như ở nước họ, thi hành trên biển chủ quyền tự cấp của họ, coi phần biển quanh các đá, rạn san hô, đảo nhân tạo như lãnh hải của họ. Nhờ vào hải cảng và phi cảng, vào tàu ngầm và hỏa tiễn ở trong đó, Bắc Kinh có thể ra lệnh cấm đến cấm vào (A2/AD) vùng. Tàu tuần tra và tàu biên phòng của trung Quốc có măt khắp nơi, giám sát tất cả tàu nước ngoài, ngăn cản họ lại gần quần đảo Hoàng Sa Trường Sa trong giới hạn 12 hải lý, mặc dầu luật biển cho phép sự qua lại vô hại của mọi tàu thủy nước ngoài, kể cả tàu chiến. Và trên không phận lãnh hải tự cấp đó, máy bay tiêm kích Trung cộng dọa nạt và đuổi các máy bay nước ngoài, đăc biệt máy bay quân sự. Đối với Việt Nam Bắc Kinh chẳng nể nang gì và hành sự như với một thuộc địa : trong một tuần từ 29/8 đến 4/9/2017, Trung Quốc cho diễn tập quân sự với đạn thật trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở vịnh Bắc Bộ, chỉ cách Đà Nẵng có 75 hải lý, và cấm tàu Việt Nam lại gần ! Vả lại, ngay ngày thường, tàu Việt Nam đi lại trong vùng biển của mình vẫn thường bị quấy nhiễu, chẹt của và khám xét vì đã xâm phạm đường chữ U tưởng tượng. Trên không, nếu quân Trung Quốc chỉ đuổi và bay kèm máy bay nước khác, với máy bay Việt Nam chúng không ngần ngại bắn bỏ, như trường hợp hai máy bay Sukhoi mới tinh của quân lực Việt Nam bị hỏa tiễn thả từ tàu ngầm nằm ở Phú Lâm bắn rơi ngày 14/6/2016 đương lúc luyện bay ở cách bờ biển 32 hải lý tức ở trên ZEE Viêt Nam – một hành vi khiêu chiến không dấy lên một sự phản kháng nào của đám cầm quyền hèn nhát Hà Nội, và vụ sát hại này chắc sẽ bị giấu nhẹm nếu một trong hai phi công không chỉ bị thương và không được ngư dân cứu vớt. Và từ đó, do sợ bị bắn không cảnh báo, các máy bay dân sự Việt Nam nối liền Bắc Nam tránh đường duyên hải mà đi đường xa hơn qua Lào !
Trước tham vọng hung hăng của Trung Quốc với ngân sách quân sự gia tăng 132% trong 10 năm (lên tới 190 tỷ USD năm 2016), các nước láng giềng của họ (Nhât Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Nam Dương, Mã Lai, Việt Nam) phải chạy đua vũ trang tuy vẫn giữ liên hệ kinh tế với họ. Ngay Úc, ở xa Biển Đông và cho đến gần đây vẫn dễ dãi với Trung Quốc, cũng lo ngại vì thấy Bắc Kinh đe dọa sự yên bình trong vùng nên đã canh tân quân trang và mua 12 tàu ngầm của Pháp. Bởi đã không kiên quyết chống lại ngay từ đầu những yêu sách không cơ sở của Bắc Kinh, thế giới thấy mình đứng trước một cường quốc lạm quyền, cướp đoạt của cải của nước khác, khi muốn đạt mục đích, dọa gây chiến hay dùng mưu đầu tư và cho vay đổi lấy một sự hợp tác không đối xứng sẽ tỏ ra có hại cho kẻ nhận vốn. Sự xâm chiếm Biển Đông và mối nguy tiềm tàng xuất từ đó khiến các quốc gia tự do hiểu rằng cái từ hòa bình luôn luôn ở trong miệng nhà cầm quyền Bắc Kinh phải được hiểu theo nghĩa ngược lại, y như ở xứ Oceania trong cuốn « 1984 ». Để độc giả có ý niệm về vấn đề, một tác giả, Antoine Brunet (xem http://www.atlantico.fr/decryptage/asie-se-livre-plus-grande-course-aux-armements-de) so sánh tình hình với trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ đòi chủ quyền trên toàn thể Địa Trung Hải không cho các nước ven biển khác lai vãng nếu không được phép của họ. Mà mưu đồ bá chủ này đã từng xảy ra vào thế kỷ XVI, nhưng đã bị chặn bởi một liên minh do nước Áo cầm đầu đã có công đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ tại Lépante (1570).
Một liên minh như vậy chống lại đế quốc Trung Hoa liệu có thể thành hình ngày nay không ? Chưa chắc, khi ta thấy sức quyến rũ của túi tiền lắc lư bởi Bắc Kinh mà phần lớn các quốc gia thèm vốn và hợp đồng không cưỡng lại nổi, đặc biệt các quốc gi đồi trụy ; và khi dư luận quốc tế chưa ý thức bản chất gian dối, thô bạo và ác độc của nhà nước cộng sản độc tài Trung Quốc. Hiện có nhiều dân phe tả được nuôi dưỡng trong sự thù ghét đế quốc Mỹ chào mừng sự thăng tiến của đế quốc Trung Hoa, được họ cho là công bằng và rộng rãi (hãy bảo họ tìm hiểu về sự diệt chủng dân Tây Tạng và áp bức dân Tân Cương !). Ngay Hoa Kỳ, cường quốc duy nhất có thể cản trở Trung Quốc và đang bị Trung Quốc muốn gạt khỏi Á châu, cũng chỉ lo ngại khi người Tàu đắp đá ngầm và xây « trường thành cát ». Vì lời kêu gọi ngưng đắp biển của họ không có hiệu quả gì, lại vì họ không thể dội bom trên các đảo nhân tạo kẻo gây ra một cuộc chiến tranh tàn khốc, Hoa Kỳ chỉ còn giải pháp chủ trương sự duy trì quyền tự do hàng hải trong khu quần đảo, bởi theo luật biển chỉ ở duyên hải một nước tàu thủy ngoại quốc mới có thể bị cấm qua lại. Vậy nên từ 2015 họ đã quyết định thực hiện công vụ tự do hàng hải (FONOP) có nghĩa là mỗi năm họ cho tàu thủy và máy bay đi vào khu quần đảo Hoàng Sa Trường Sa chiếm đóng bởi Trung Quốc, ngay cả trong giới hạn 12 hải lý. Công vụ nào cũng khiến Bắc Kinh phản đối nhưng họ chỉ cho kèm con tàu hay máy bay « vi phạm » bởi đoàn tuần tra của họ, ngoại trừ vào tháng 12/2016 khi tàu hải dương học USNS Bowditch bị đánh cắp một máy bay không người lái (drone), nhưng sự đánh cắp này cũng như sự mất trộm một bộ định vị bằng sóng âm (sonar) của tàu USNS Impeccable năm 2009, nằm đúng hơn trong khuôn khổ hoạt động ăn cắp những sản phẩm có công nghệ mới lạ để sao lại của Trung Quốc. Gia Nã Đại cũng gắn bó với quyền tự do hàng hải nên quyết định tham gia chương trình FONOP với hai tàu chiến được đưa vào khu tranh cãi ở Biển Đông vào tháng 7/2017, và Anh Quốc hứa sẽ làm vậy tháng tư này. Pháp không gia nhập nhóm FONOP nhưng từ 2014 đã cho khoảng một chục tàu thủy đi qua cùng khu đó, ví như tàu chiến Auvergne vào tháng 10/2017, bởi, như đô đốc Denis Berand nói, « nếu quyền tự do hàng hải bị coi thường tại Biển Đông, nó sẽ bị coi thường khắp nơi ».
Các công tác tượng trưng trên làm Bắc Kinh tức giận nhưng không ngăn họ tiếp tục củng cố thành trì biển cả bao la của họ, nơi từ đâu họ có thể kiểm soát ngành thương mại quốc tế và đe dọa tất cả các quốc gia chống lại bá quyền của họ, một bá quyền hung tợn, bất chấp luật quốc tế và vô tâm đối với mạng sống của tha nhân, ở cạnh đó sự thống trị của Hoa Kỳ biến thành một sự lãnh đạo hiền lành. Trên thực tế, Trung Quốc đã làm chủ Biển Đông và không thể bị đẩy ra khỏi đó ; nhưng muốn uy quyền của họ được thế giới chấp nhận, nó phải hợp pháp. Tuy Bắc Kinh chẳng coi luật pháp ra gì và ngồi xổm trên phán quyết của PCA, họ vẫn cần luật pháp để biện minh cho sự chiếm đóng của họ. Vì lẽ đó, họ đang trù tính lập một tòa án quốc tế khác, lệ thuộc họ (xem http://www.epochtimes.fr/chine-envisage-de-creer-propres-tribunaux-internationaux-revendications-), sẽ hợp thức hóa những hành động của họ, mặc dầu họ thừa biết phán quyết của tòa án này sẽ không có giá trị hơn những chứng cứ lịch sử của họ. Kết cục, vẫn chỉ qua Việt Nam, nước độc nhất có chủ quyền được quốc tế công nhận lâu năm trên Hoàng Sa Trường Sa, mà Trung Quốc có thể được cấp một tính chính đáng cho sự chiếm giữ Biển Đông, nhờ vào một sự chuyển nhượng chính thức chủ quyền. Cũng may cho tới giờ, tuy có thỏa thuận ngầm, đám cầm quyền Hà Nội vẫn chưa chịu công bố sự thần phục Trung Quốc của mình, vì còn sợ sự lên án của mọi người cũng như sự nổi loạn của toàn dân. Nếu thế giới tự do muốn vẫn còn được tự do, họ nên lợi dụng sự e dè sẽ không kéo dài ấy để giúp đỡ dân Việt Nam thoát khỏi ách cộng sản, tất khỏi sự lệ thuộc vào Bắc Kinh để trở thành một bức tường chắn tự do chống lại Trung Quốc.
Laisser un commentaire